Xung quanh việc Cầu Ngói chợ Thượng (Nam Định) bị xâm hại nghiêm trọng: “Hiện đại hóa” di tích đến thế là cùng!
VHO- Xung quanh việc di tích quốc gia Cầu Ngói chợ Thượng sau khi bị tu sửa tùy tiện đã dẫn đến biến dạng, sai lệch so với nguyên gốc, Sở VHTTDL Nam Định đã chỉ đạo khẩn trương phục hồi nguyên trạng di tích, trả lại hình ảnh Cầu Ngói chợ Thượng như được lưu trong hồ sơ di tích.
Sau khi tu bổ cấp thiết, di tích Cầu Ngói chợ Thượng đã cơ bản thành một công trình… hiện đại
Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết đã nắm được thông tin về vụ việc qua báo chí, tuy nhiên đến thời điểm này Sở VHTTDL Nam Định vẫn chưa gửi báo cáo về những xâm phạm đối với di tích cũng như quá trình xử lý, phục hồi nguyên trạng.
Biến dạng không thể nhận ra
Hình ảnh cổng Cầu Ngói chợ Thượng (thôn Thượng Nông, Bình Minh, huyện Nam Trực, Nam Định) bị làm mới, xây trát tùy tiện, đánh mất đi vẻ cổ kính rêu phong đã khiến dư luận và các nhà chuyên môn bức xúc. Khác với những ký ức về một cây cầu ngói cổ là sự biến dạng khi phần cổng được trát lại, sơn màu giả đá mới tinh tươm, trông rất phản cảm. Thêm một lần nữa những lo lắng bởi cách tu sửa theo kiểu làm mới di tích cổ lại được đặt ra.
Ở đây “diện mạo thay áo” của di tích Cầu Ngói chợ Thượng có thể xem là một điển hình khi sự tùy tiện đã ảnh hưởng và xâm phạm nghiêm trọng những giá trị kiến trúc, thẩm mỹ của công trình được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia này. Cầu Ngói chợ Thượng là một trong số hiếm những cầu ngói cổ độc đáo ở Việt Nam. Cây cầu có tuổi đời hàng trăm năm được công nhận di tích lịch sử- văn hóa quốc gia năm 2012. Theo ông Trần Xuân Bình, Trưởng BQL Di tích và danh thắng tỉnh Nam Định, Cầu Ngói chợ Thượng được Bộ VHTTDL hỗ trợ kinh phí theo chương trình “Mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020” để tu bổ cấp thiết phần mái đã xuống cấp. Sở VHTTDL Nam Định đã giao UBND xã Bình Minh tiến hành tu sửa phần mái, gồm thay ngói, rui, mè cũ theo đúng hồ sơ lưu của di tích.
“Hiện đại hóa” di tích
BQL Di tích và danh thắng Nam Định đã giám sát việc tu sửa phần mái đúng theo nguyên gốc lưu trong hồ sơ di tích. Tuy nhiên trong quá trình tu sửa do không có chuyên môn, cùng với sự tùy tiện đã làm di tích bị biến dạng công trình. “Trong quá trình tu sửa, chính quyền địa phương nhận thấy phần cổng bắc xuống cấp, hai đầu hồi xây lâu ngày, động đến bị nứt vỡ, vữa trát lâu không kết dính... nên đã tự ý vận động kinh phí xã hội hóa, trát lại rồi sơn màu giả đá. Phần bậc thang bằng gạch cũng được lát lại bằng đá xanh. Việc làm này là do chính quyền địa phương tự ý, không báo cáo. Khi vừa hoàn thành, những hình ảnh cổng mới của cây cầu bị chia sẻ và phản ứng. Sở VHTTDL Nam Định đã chỉ đạo khẩn trương kiểm tra và có giải pháp khắc phục, đưa về nguyên trạng ban đầu”, ông Bình cho biết.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, việc nhóm thợ trát lại vuông phẳng, sơn mới màu giả đá lên toàn bộ phần cổng Cầu Ngói chợ Thượng đã làm biến mất toàn bộ phần hoa văn độc đáo, nét rêu phong, cổ kính của di tích. Những chắt chiu từ quá khứ bỗng chốc bị thay thế bằng những hình ảnh hiện đại, tréo ngoe và phản cảm. Yêu cầu đơn vị chuyên môn nhanh chóng kiểm tra, khắc phục hậu quả, Sở VHTTDL Nam Định thừa nhận việc “hiện đại hóa” phần cổng Cầu Ngói chợ Thượng đã phá hỏng giá trị thẩm mỹ, văn hóa, lịch sử của di tích quốc gia này. Theo chỉ đạo của Sở, địa phương phải làm lại phần cổng đã bị sửa chữa, phục hồi nguyên trạng di tích. BQL Di tích và danh thắng Nam Định cũng cho hay, việc thợ sửa chữa chỉ trát lại và sơn giả đá chứ không ốp đá có thể sẽ giúp phục hồi được di tích về nguyên trạng. Các cán bộ chuyên môn của BQL sẽ theo dõi, giám sát tại chỗ việc sửa chữa, khôi phục nhằm đảm bảo các hoa văn, màu sắc của Cầu Ngói chợ Thượng trở về đúng hình ảnh trong hồ sơ di tích.
Trả lại hình dáng xưa được không?
Tiến hành khắc phục đưa về nguyên trạng di tích
Cũng theo ông Trần Xuân Bình, việc khẩn trương khắc phục, trả lại nguyên trạng di tích bị chậm mất một vài hôm do thời tiết. Bắt đầu từ ngày 16.2, việc tiến hành sửa lại phần cổng, đưa về nguyên bản đã được tiến hành. “Chúng tôi yêu cầu và giám sát chặt việc khắc phục, bao gồm bóc lớp sơn mới và dóc vữa trên bề mặt; điều chỉnh lại một số phần như các bậc thang tam cấp, bó vỉa... Sau đó khôi phục hoa văn, màu sắc Cầu Ngói chợ Thượng theo tư liệu lưu giữ trong hồ sơ di tích. Dự kiến đến hết tuần này sẽ hoàn thành việc sửa lại, khôi phục để trả lại hình dáng xưa cho di tích”, ông Bình chia sẻ.
Cầu Ngói chợ Thượng được khởi dựng từ thời Hậu Lê, có kết cấu “thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng. Bộ khung Cầu Ngói chợ Thượng được dựng bằng gỗ lim. Cầu được chia thành 11 gian, mỗi gian có kích thước trung bình từ 1,45m đến 1,65m tạo nên một tổng thể kết cấu dài 17,35m. Phía trên các bộ vì còn có hệ thống các hoành mái nối mộng với nhau để tạo nên một khoảng trống tối đa cho lòng cầu. Các bộ vì tạo thành những cánh tay đòn vươn qua cột cái, cột quân đến tận diềm mái. Năm 1993, do hai bên thành bằng gỗ của cầu bị mối mọt nên đã được trùng tu thay thế bằng đá. Trả lời báo chí, theo TS.KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, giá trị lớn nhất của cầu Ngói chợ Thượng nằm ở bộ khung gỗ, mái ngói. Quá trình tu sửa phần khung gỗ vẫn được giữ lại, tận dụng ngói cũ của di tích. Các phần sai lệch như hai tường hồi xây mới làm mất hoa văn, sơn màu giả đá có thể tìm cách khắc phục như gỡ bỏ, quét lại vôi màu xám, khôi phục hoa văn để trả lại hình dáng cũ cho di tích.
Di tích trước khi được tu bổ cấp thiết Ảnh: BQL Di tích và danh thắng Nam Định cung cấp
Trao đổi với Văn Hóa vào sáng qua 18.2, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) Trần Đình Thành cho biết, Cục đã nắm được thông tin liên quan đến việc tu sửa xâm phạm giá trị di tích Cầu Ngói chợ Thượng. Tuy nhiên đến thời điểm này, Nam Định vẫn chưa có báo cáo cụ thể bằng văn bản để Cục có ý kiến về giải pháp xử lý. “Thực tế là đã có việc xâm phạm ở di tích quốc gia Cầu Ngói chợ Thượng và dù ở mức độ nào cũng phải xử lý, không thể xem nhẹ. BQL Di tích và danh thắng Nam Định cũng cho biết địa phương đang khẩn trương tiến hành khôi phục nguyên trạng di tích nhưng thực tế xử lý đến đâu, có đảm bảo yêu cầu hay không..., Cục cần được báo cáo cụ thể. Chiều nay (18.2), Cục Di sản văn hóa sẽ có văn bản yêu cầu địa phương có báo cáo nội dung này, sau đó có đánh giá và hướng xử lý...”, ông Trần Đình Thành cho biết.
Cũng theo Phó Cục trưởng, theo những hình ảnh và thông tin nhận được, việc xử lý khôi phục nguyên trạng ở di tích này có thể thực hiện được. Cùng với việc chỉ đạo phục hồi di tích quốc gia Cầu Ngói chợ Thượng, được biết Sở VHTTDL Nam Định sẽ tiến hành rà soát toàn bộ di tích trên địa bàn nhằm phát hiện và xử lý ngay các vi phạm nếu có. Chỉ đạo của Sở xuất phát từ thực trạng tuỳ tiện tu sửa di tích mà không xin ý kiến cơ quan chuyên môn.
Thêm một lần nữa, câu chuyện tu sửa làm sai lệch di tích ở cầu Ngói chợ Thượng lại đặt ra vấn đề về nhận thức, dẫn đến sai lầm trong quá trình bảo tồn, tu sửa ở từng di tích. Theo các chuyên gia, những sai lầm này về giá trị di sản rất nguy hiểm đối với công tác bảo tồn.
Thực tế là đã có việc xâm phạm ở di tích quốc gia Cầu Ngói chợ Thượng và dù ở mức độ nào cũng phải xử lý, không thể xem nhẹ. BQL Di tích và danh thắng Nam Định cũng cho biết địa phương đang khẩn trương tiến hành khôi phục nguyên trạng di tích nhưng thực tế xử lý đến đâu, có đảm bảo yêu cầu hay không..., Cục cần được báo cáo cụ thể. Chiều nay (18.2), Cục Di sản Văn hóa sẽ có văn bản yêu cầu địa phương có báo cáo nội dung này, sau đó có đánh giá và hướng xử lý... (Ông TRẦN ĐÌNH THÀNH, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa) |
PHƯƠNG ANH